Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me ở miền Bắc có năm dân tộc: Xinh-mun, Mảng, Kháng, Khơ-mú và Ơ-đu; dân số hơn 141.000 người (2019). Đây là những cư dân sống lâu đời ở vùng núi giữa và vùng cao từ tây bắc Bắc Bộ đến miền tây tỉnh Nghệ An.
Họ canh tác lúa rẫy, chăn nuôi gia súc và gia cầm, phát triển nghề đan mây, tre; các hoạt động săn bắn, hái lượm trên rừng và bắt cá dưới sông suối có ý nghĩa kinh tế đáng kể. Họ có truyền thống ở nhà sàn, mái nhà hình mai rùa và trên đầu nóc có trang trí hình sừng trâu hoặc ngọn dương xỉ. Các gia đình nhỏ phụ hệ quy tụ thành từng bản trên sườn núi. Riêng người Mảng cư trú phân tán và nhà cửa đơn sơ - dấu ấn của lối sống du canh du cư.
Do quá trình chung sống lâu đời trên cùng địa bàn, văn hoá Thái đã xâm nhập vào mọi mặt cuộc sống của các cộng đồng cư dân này. Đồng thời, không ít thành tố văn hoá truyền thống của họ đã hội nhập vào đời sống của người Thái, thể hiện ở kiến trúc, trang trí nhà cửa, trang phục và một số truyện cổ.
Trưng bày về các cư dân nhóm Môn – Khơ-me được bố trí chủ yếu ở tầng 2 của tòa "Trống đồng", gồm 2 không gian nối tiếp nhau: Môn – Khơ-me miền Bắc và Môn – Khơ-me Trường Sơn – Tây Nguyên. Văn hóa và cuộc sống của họ thể hiện thông qua hệ thống hiện vật, đặc biệt là đồ đan (nhiều loại gùi, giỏ tuốt lúa, đó bắt cá), nhạc cụ bằng tre, vỏ bầu... và ảnh thực địa. Các thông tin về hiện vật và các bài viết đều được diễn giải bằng 3 ngữ: Việt, Pháp và Anh. Có phim video lễ hiến sinh trâu của người Ba-na. Ngoài ra, giữa sảnh chính ở tầng 1 còn có cây cột lễ của người Co, trong Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) có nhà rông Ba-na và nhà mồ Cơ-tu.