Ơ-đu là một trong năm dân tộc có dân số ít nhất Việt Nam và chỉ có duy nhất ở tỉnh Nghệ An với 428 người (Theo số liệu điều tra dân số năm 2019). Người Ơ-đu thuộc nhóm Môn - Khơ-me, họ tự gọi mình là Ơ-đu hoặc I đu. Các bậc cao niên giải thích Ơ-đu nghĩa là “yêu thương”. Đồng bào luôn tự nhận mình là “phrom Ơ-đu” (người Ơ-đu, hay là “người yêu thương”). Các dân tộc trong vùng thường gọi người Ơ-đu là Tày Hạt, có nghĩa là người đói rách; tên gọi mang tính miệt thị này hiện nay ít được nhắc đến.
Về nguồn gốc, theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, xưa kia người Ơ-đu khá đông đúc; họ cư trú suốt một vùng dọc sông Nậm Nơn và Nậm Mô (hợp lưu của sông Lam ở Cửa Rào, miền Tây Nghệ An) và sang tận bên kia biên giới Việt - Lào. Theo lưu truyền, người Ơ-đu sinh sống tập trung ở ba trung tâm lớn là Xiềng Mèn (thuộc hai xã Yên Hòa và Nga My, huyện Tương Dương ngày nay), Mường Lầm (hai xã Hữu Khuông và Hữu Dương, huyện Tương Dương) và Xốp Tăm (hai xã Tà Cạ và Keng Đu, huyện Kỳ Sơn). Khi xây dựng thủy điện Bản Vẽ năm 2004, một số xã có người Ơ-đu của huyện Tương Dương đã di dời về vùng tái định cư ở huyện Thanh Chương.
Người Ơ-đu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ, bắt đầu phát, đốt, gieo hạt từ các tháng 4 - 5 âm lịch, thu hoạch vào các tháng 9 - 10. Ngoài lúa là cây trồng chính, họ còn trồng sắn, bầu, bí, ngô, đỗ, và vẫn duy trì hái lượm trong đời sống thường ngày. Địa bàn cư trú của người Ơ-đu thuận tiện cho phát triển chăn nuôi. Vì vậy, chăn nuôi trâu, bò khá phát triển nhưng chủ yếu được dùng làm sức kéo; lợn, gà được sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tín ngưỡng, cúng ma... Từ khi người Ơ-đu chuyển đến sống ở các vùng tái định cư, sống xen ghép với người Khơ-mú, người Thái và cả người Kinh thì họ chủ yếu làm ruộng nước, trồng các loại cây công nghiệp như cây keo, cây chè nên cuộc sống ổn định và khá giả hơn so với trước đây.
Cũng như người Khơ-mú, trước năm 1945, người Ơ-đu chịu thân phận xã hội thấp kém trong vùng đất do người Thái cai quản. Từ năm 1960 trở đi, quá trình vận hành và quản lý bản do trưởng bản và các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Chi hội Hội Phụ nữ… cùng đảm nhiệm, vai trò của những người có uy tín trong bản luôn được đề cao.
Do dân số ít, sống xen kẽ với người Khơ-mú và người Thái nên các mặt quan hệ xã hội, văn hóa của người Ơ-đu chịu nhiều ảnh hưởng của hai dân tộc này, họ thường lấy họ theo họ Thái, Lào. Trước đây, trong gia đình, người đàn ông quyết định mọi việc trong nhà, phụ nữ không được hưởng thừa tự. Cũng giống nhiều dân tộc khác, khi xã hội phát triển, các quan niệm cũng dần thay đổi, quyền quyết định trong gia đình ngày càng bình đẳng, có sự trao đổi giữa các thành viên; vì vậy, vai trò của người phụ nữ cũng được đề cao hơn trước.
Trước đây, ngôi nhà truyền thống của người Ơ-đu là nhà sàn, dựng quay đầu vào núi (dựng chiều dọc), nay kiểu nhà này không còn được duy trì nữa. Hiện nay, người Ơ-đu chuyển sang làm sàn nhà giống như nhà sàn người Thái hoặc nhà xây lợp mái ngói hoặc lợp tôn giống người Kinh.
Tập tục người Ơ-đu trước đây thường ăn cơm nếp là chính. Gạo được ngâm khoảng 2-3 tiếng sau đó mới đồ; khi xôi chín, xới ra mẹt và lấy quạt cho bay hết hơi, cho xôi vào các giỏ để ăn trong ngày. Vào những dịp giáp hạt, nguồn gạo cạn dần, phải trộn ngô hoặc sắn nạo nhỏ. Hiện nay, người Ơ-đu chủ yếu ăn cơm tẻ, chỉ khi lễ tết hoặc có lễ cúng thì mới đồ xôi. Thực phẩm của họ chủ yếu là các loại rau, măng rừng; các loại côn trùng (bọ xít, ve sầu…) và cá đánh bắt ở sông, suối. Chỉ khi nhà có khách quý hoặc vào những dịp cầu cúng, lễ tết, họ mới giết thịt gà, vịt hoặc mổ lợn để làm lễ hoặc thết đãi khách. Cách chế biến thức ăn của người Ơ-đu không cầu kỳ, các loại rau thường được luộc hoặc nấu canh; măng đắng, măng tre, măng giang được luộc chấm muối, khi có nhiều thì đem ngâm chua để ăn dần, thường được nấu với cá, ốc. Các loại thịt gia cầm (già, vịt, ngan, ngỗng) sau khi chặt thành miếng, cho đủ muối đun gần chín thì cho một ít bột gạo nếp quấy đều và đun tiếp thành món cháo hoặc dạng súp làm thành món canh. Khi săn bắt thú rừng (như dúi, chuột, sóc...), họ thường trộn với muối rồi nướng trên than hồng hoặc treo trên giàn bếp làm thức ăn dự trữ.
Lâu nay, người Ơ-đu sử dụng trang phục có nhiều nét tương đồng với trang phục của người Thái. Tuy nhiên, điểm khác biệt dễ nhận thấy là chân váy của phụ nữ Thái thường được thêu với nhiều loại hoa văn, phần lớn là các hình mô phỏng về thiên nhiên như hoa lá, động vật, mặt trời, các hình khối với nhiều màu sắc sặc sỡ. Trong khi đó, chân váy của phụ nữ Ơ-đu thường được thêu các hình khối zíc zắc và nhỏ bản hơn. Áo của phụ nữ có màu đen, cổ tim, dài tay, được may ngắn ngang lưng, không có cài khuy mà dùng bốn sợi dây màu xanh hoặc đỏ buộc chéo. Trang phục của nam giới được may bằng vải nâu nhạt, áo may kiểu cổ tròn, không có khuy cài mà dùng dây buộc, có hai túi dưới hai vạt áo; quần may có dây rút để cố định.
Trước đây, người Ơ-đu phổ biến tục ở rể nhưng hiện nay tục lệ này không còn nữa. Lễ vật trong dịp cưới không thể thiếu trước đây là thịt sóc, thịt chuột sấy khô và cá ướp muối nhưng những lễ vật này cũng đã vắng bóng nhiều năm nay.
Trong truyền thống, phụ nữ đẻ ngồi tại góc nhà phía gian dành cho phụ nữ. Nhau thai được bỏ vào ống tre rồi đem chôn ngay dưới gầm sàn. Tuổi đứa bé được tính từ ngày có tiếng sấm trong năm; khi đứa bé đầy năm thì được bố mẹ làm lễ đặt tên. Cho đến nay, người Ơ-đu vẫn duy trì tục lệ này.
Ngày hội lớn nhất là lễ đón tiếng sấm đầu mùa trong năm. Ngày đó, cư dân khắp nơi đổ về mở hội tế trời, có năm mổ trâu, bò, còn chủ yếu là mổ lợn ăn mừng tại bản. Đây là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Ơ-đu được trao truyền qua nhiều thế hệ và duy trì cho đến ngày nay.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Ơ-đu được giới thiệu trong không gian các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me miền Bắc ở tầng 2 của tòa nhà Trống đồng. Tất cả bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng ba ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).
Người viết: Võ Thị Mai Phương
Ảnh: BTDTHVN