Image
Loading

Hầu hết các cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường phân bố ở Việt Nam, gồm 4 dân tộc: Việt, Mường, Thổ, Chứt, với dân số gần 75 triệu người (2009), chiếm hơn 87% dân số chung toàn quốc.

Các dân tộc có chung một cội nguồn lịch sử. Tổ tiên họ, cư dân Lạc Việt, lập nghiệp ban đầu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Thành tựu khảo cổ học minh chứng cho các giai đoạn phát triển liên tục từ sơ kỳ thời đại đồng thau tới sơ kỳ thời đại đồ sắt, mà đỉnh cao là nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng tồn tại từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Quá trình phân hoá tộc người diễn ra suốt nhiều thế kỷ sau Công nguyên.

Trong truyền thống, giữa 4 dân tộc có nhiều điểm giống nhau về ngôn ngữ và phong tục tập quán. Bên cạnh đó, điều kiện sống, những biến động lịch sử và sự tiếp thu văn hoá từ bên ngoài làm cho các dân tộc này khác biệt nhau. Người Việt (Kinh) trở thành dân tộc đa số của quốc gia. Người Mường  gần gũi với người Thái về nhiều khía cạnh văn hoá, đặc biệt là về tổ chức xã hội. Trong khi đó, người Thổ và người Chứt có dân số ít, lại gồm nhiều nhóm nhỏ sinh sống trên địa bàn không thuận lợi và bị hoàn cảnh xô đẩy vào trạng thái suy thoái suốt một thời gian dài trong quá khứ, vì vậy đời sống khó khăn bậc nhất ở Việt Nam. Nhiều nhóm trong hai cộng đồng Thổ và Chứt, cũng như nhóm Nguồn của người Việt, vốn là cư dân vùng đồng bằng đã phiêu dạt lên miền núi từ lâu đời, nên vẫn bảo lưu nhiều yếu tố ngôn ngữ và văn hoá của người Việt cổ.

Trưng bày về các dân tộc nhóm Việt - Mường được bố trí ở tầng 1 của tòa "Trống đồng". Có nhiều chủ đề khác nhau, được thể hiện thông qua các hiện vật, ảnh thực địa và bài viết bằng 3 ngữ: Việt, Pháp, Anh. Có 2 điểm trưng bày bằng hình thức tái tạo, kèm theo phim video: Nghề nón làng Chuông (người Việt) và Đám ma người Mường. Ngoài ra, ở Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) có một khuôn viên người Việt vùng Thanh Hóa.