Image
Loading

Nghệ thuật tranh kính

Nghệ thuật tranh kính bắt nguồn từ châu Âu, du nhập vào Indonesia đầu TK 20 cùng với người Hà Lan và phát triển cực thịnh trong những năm 30. So với các trung tâm sản xuất tranh kính nổi tiếng ở Indonesia như Yogyakarta, Surakarta và Cirebon (thuộc Java), tranh kính tại Bali có phong cách rất khác biệt.

Để tạo nên một tác phẩm trên kính, người ta vẽ ngược với quy trình thông thường; nét vẽ đầu tiên chính là nét cuối cùng của tranh trên giấy hay vải. Một số họa sĩ tranh kính tiêu biểu là Sulasno, Maryono, Sastrogambar…

Tranh kính Indonesia lấy cảm hứng từ nhiều chủ đề: cuộc sống hằng ngày, nghệ thuật dân gian, nghi lễ và lễ hội, Hồi giáo và lịch sử Indonesia; 2 sử thi Mahabharata, Ramayana và huyền thoại, với hình thức nhân vật gần với sân khấu rối (wayang) và những anh hề (punakawan). Ở Java, tranh kính là đồ trang trí phổ biến trong nhiều gia đình, đôi khi như vật mang lại may mắn.

Sưu tập của O’ong Maryono và Rosalia Sciortino tặng Bảo tàng

Ông O’ong Maryono (1953-2013) là võ sư pencak silat người Indonesia nổi tiếng thế giới. Không chỉ dành thời gian nghiên cứu về võ thuật, ông còn chia sẻ tình yêu với nghệ thuật tranh kính cùng vợ là tiến sĩ Rosalia Sciortino, nhà Nhân học y tế và Xã hội học phát triển người Italia.

Yêu mến sự đa dạng văn hóa của Indonesia và bị cuốn hút bởi màu sắc sặc sỡ của tranh kính, họ đã tạo nên một sưu tập tuyệt vời. Bà Rosalia sưu tầm những bức tranh kính đầu tiên năm 1986 tại Yogyakarta và năm 1989 tại Magelang, Trung Java. Phần lớn các bức tranh kính trong bộ sưu tập của gia đình được hai vợ chồng sưu tầm từ 1993 đến 2001 khi họ ở Indonesia, có dịp tới thăm nhiều làng mạc và tìm thấy nhiều bức tranh kính cổ.

Năm 2006, họ trao tặng 68 bức tranh kính cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.