Vùng biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia là địa bàn cư trú lâu đời của người Rơ-măm. Ở Việt Nam, họ là một trong ba dân tộc ít người nhất với dân số chỉ 639 người (năm 2019), sinh sống tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tiếng Rơ-măm được xếp vào nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng nói của người Ha-lăng và người Ca-dong (dân tộc Xơ-đăng).
Người Rơ-măm làm rẫy, trồng nhiều lúa nếp, ngoài ra còn trồng lúa tẻ, ngô, sắn, thuốc lá..., sử dụng cách thức canh tác tương tự như các cư dân bản địa khác ở Tây Nguyên: phát, đốt, chọc lỗ, tra hạt... Kể từ năm 1986 đến nay, người Rơ-măm đa dạng hóa các loại hình kinh tế, không chỉ canh tác nương rẫy mà còn làm ruộng nước với hệ thống cây trồng phong phú và ứng dụng nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, do diện tích đất đai sản xuất bị thu hẹp, đời sống của người Rơ-măm còn gặp nhiều khó khăn dù người dân đã thực hành một số hoạt động kinh tế mới như làm thuê, trao đổi, dịch vụ.
Trước kia, đàn ông Rơ-măm thạo đan lát, đàn bà dệt vải. Y phục thường được làm từ vải mộc (không nhuộm), gồm khố của nam giới, váy quấn và áo không ống tay của phụ nữ; trời lạnh có thêm tấm choàng cũng đồng thời là chăn. Trang sức nữ chủ yếu là vòng tay, vòng cổ và hoa tai; người khá giả dùng hoa tai bằng ngà voi, đường kính có thể tới 4-5cm. Tập quán "căng tai" và cà răng ngày nay không còn, cùng với đó là sự thay thế trang phục truyền thống bằng trang phục của người Kinh hoặc của các dân tộc lân cận.
Theo truyền thống, làng của người Rơ-măm có nhà cộng đồng (rông) ở giữa, những ngôi nhà sàn dài của các gia đình dựng thành một vòng xung quanh. Mỗi nhà dài có nhiều gia đình nhỏ, mỗi gia đình sở hữu một buồng riêng với bếp đặt trong đó. Gian giữa nhà là chỗ tiếp khách và sinh hoạt chung, một hành lang chạy dọc sàn nhà, kết nối không gian của các gia đình với nhau và với gian chung. Hiện nay, do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cấu trúc làng bản của người Rơ-măm không còn như xưa mà phân bố dọc hai bên đường chính; nhà rông và nhà sàn dài truyền thống gần như không còn, thay vào đó là nhà gạch, mái tôn theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước.
Xã hội Rơ-măm ở giai đoạn quá độ từ mẫu hệ sang phụ hệ. Theo tập tục, sau lễ cưới, đôi vợ chồng thường ở với gia đình vợ 4-5 năm, sau đó chuyển sang gia đình chồng, hoặc cư trú luân chuyển đôi bên cho đến khi cha mẹ một bên qua đời mới ở ổn định một nơi. Luật tục được coi trọng, quan hệ cộng đồng được đề cao. "Già làng" có vai trò như vị thủ lĩnh, có uy tín đặc biệt đối với toàn thể dân làng. Đến nay, thành phần cư dân trong làng đã đa dạng, phức tạp hơn, ngoài người Rơ-măm còn có người Kinh, Gia-rai, Xơ-đăng. Quan hệ trong buôn làng, anh em, họ hàng không còn được chặt chẽ như trước.
Người Rơ-măm cho rằng trời, đất, sông, núi, con vật, chiêng, ché... đều có "hồn" (jàng). Mỗi người chết đi, hồn sẽ biến thành ma. Thông thường, sau lễ mai táng vài ba năm, gia đình tổ chức lễ bỏ mả. "Hồn lúa" rất quan trọng, nhiều nghi lễ được tổ chức trong mỗi vụ canh tác lúa rẫy. Khi làm nhà, lập làng, ốm đau, sinh con... cũng đều có lễ cúng. Tùy nghi lễ, vật hiến sinh có thể là gà hay lợn, dê..., lớn nhất là trâu.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Rơ-măm được giới thiệu trong không gian các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme Trường Sơn - Tây Nguyên ở tầng 2 của tòa nhà Trống đồng. Tất cả các bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).