Về hành chính, Đông Nam Á ở những năm đầu thế kỷ 21 bao gồm 11 quốc gia: Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Đông Timor, với dân số gần 600 triệu người. Nhưng theo quan niệm dân tộc học, Đông Nam Á còn bao gồm cả Nam Trung Quốc và một phần Đông Bắc Ấn Độ.
Đông Nam Á là khu vực đa tộc người, có tới hàng trăm nhóm cư dân sinh sống ở đây, được phân chia theo 5 dòng ngôn ngữ:
- Dòng Nam Á (còn gọi là Môn - Khmer): Đây là lớp cư dân bản địa của Đông Nam Á lục địa, ngày nay là hàng loạt tộc người, họ có ngôn ngữ được dùng làm quốc ngữ, như tiếng Việt, tiếng Khmer, và rất nhiều ngôn ngữ khác.
- Dòng Nam Đảo: Phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á hải đảo, Malaysia, có một bộ phận ở Tây Nguyên của Việt Nam, vùng duyên hải của Thái Lan và Myanmar.
- Dòng Thái - Kađai: Gồm các nhóm cư trú tại Lào, Thái Lan, Nam Trung Quốc, vùng núi của Myanmar và Việt Nam. Có một bộ phận phân bố tới Assam thuộc Ấn Độ.
- Dòng Hmông - Yao: Phân bố tại vùng núi Nam Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, Lào và Thái Lan.
- Dòng Hán - Tạng: Gồm nhóm Hán và nhóm Tạng - Miến. Ở Đông Nam Á, người Hán sống chủ yếu ở các thành phố lớn. Trong khi đó, các nhóm nói ngôn ngữ Tạng - Miến có mặt khắp nơi, trừ Đông Nam Á hải đảo và Malaysia. Người Karen cư trú ở Myanmar và biên giới Thái Lan cũng được xếp vào nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến.
Sinh sống trong khu vực nhiệt đới gió mùa, các cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo nên những nền văn hoá tộc người với những sắc thái địa phương đa dạng, phong phú. Ở khắp nơi, dân cư đều sống bằng lúa gạo, với hai hình thức canh tác: ruộng nước và nương rẫy. Trâu là một trong những con vật quan trọng nhất, được cư dân thuần hóa để làm sức kéo trong nông nghiệp và sử dụng trong nghi lễ. Đến nay, lễ hiến sinh trâu vẫn được tổ chức ở nhiều nơi. Nhà sàn là dạng kiến trúc nhà ở phổ biến. Các nghề thủ công tinh xảo phát triển rộng khắp. Đồ vải, nổi tiếng là vải ikat của Indonesia và Campuchia, vải batik của người Java và người Hmông/Miao. Có thể người Miao đã truyền bá kỹ thuật batik cho người Hán. Đồ sơn mài, đặc biệt là đồ sơn mài cốt tre đan, là niềm tự hào của Myanmar.
Đông Nam Á rất giàu các loại hình biểu diễn: múa, biểu diễn mặt nạ, rối bóng, rối dây, các kiểu dàn nhạc và loại hình âm nhạc. Phần lớn các hình thức biểu diễn này đều dựa trên hai sử thi lớn của Ấn Độ là Ramayana, Mahabharata và thường gắn liền với những nghi lễ tôn giáo. Tôn giáo ở Đông Nam Á rất đa dạng. Hindu giáo, Phật giáo, Hồi giáo và Công giáo đã phát triển trên cơ tầng tín ngưỡng bản địa mà thờ cúng tổ tiên và vật linh giáo là nền tảng. Đó là những yếu tố chung của khu vực. Shaman giáo cũng phổ biến ở Đông Nam Á.
Do ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, Trung Quốc, Ảrập và châu Âu, từ xưa các nền văn hóa bản địa Đông Nam Á đã có sự biến đổi. Tuy nhiên, những đặc điểm chung và sự tương đồng giữa các cư dân trong khu vực vẫn được tiếp nối và tạo bản sắc nổi trội của Đông Nam Á.
Về mặt tộc người và văn hóa, Đông Nam Á là một trong những khu vực đa dạng bậc nhất trên thế giới. Phần lớn các dân tộc, các hệ ngôn ngữ trong khu vực đều phân bố liên quốc gia. Với ý tưởng kết nối văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam với văn hóa của các dân tộc ở Đông Nam Á, nhằm giúp cho công chúng có cái nhìn toàn khu vực, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã cử nhiều đoàn tới các nước Đông Nam Á để sưu tầm hiện vật và tư liệu. Trên những chặng đường điền dã, chúng tôi đã nhận được sự hợp tác và giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan văn hóa, của hệ thống bảo tàng quốc gia và địa phương ở các nước sở tại, cũng như các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, sưu tầm tư nhân, đặc biệt là các nghệ nhân - chủ thể văn hóa - tại các cộng đồng. Nhờ vậy cho đến nay, Bảo tàng đã có hàng nghìn hiện vật cùng với một hệ thống đáng kể các tư liệu nghe-nhìn về các dân tộc Đông Nam Á.
Bằng lao động cần cù và sáng tạo của cán bộ nhân viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cùng với sự giúp đỡ tận tình và hiệu quả của các chuyên gia Pháp: bà Christine Hemmet, curator Bảo tàng Quai Branly, bà Véronique Dolffus, kiến trúc sư, ông Patrick Hoarau, thiết kế đồ họa đã tạo nên trưng bày Đông Nam Á một cách khoa học và nghệ thuật. Trưng bày này cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Những người bạn của Bảo tàng, nhất là bà Nicole Maillard, hiệu đính tiếng Pháp và bà Margaret Barnhill Bodemer, hiệu đính tiếng Anh.
Thông qua hiện vật, bài viết, phim, ảnh trưng bày trong hai tòa nhà Trống đồng và Cánh diều, du khách không những có cơ hội tìm hiểu về các dân tộc Việt Nam mà cả các dân tộc ở các nước Đông Nam Á. Những nền văn hóa này vừa đa dạng, vừa thống nhất, từ đó hình thành nên bản sắc chung cho khu vực Đông Nam Á.
Với trưng bày Văn hóa Đông Nam Á, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không chỉ góp phần lưu giữ, giới thiệu di sản văn hóa ở khu vực, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, mà còn là cầu nối và là điểm đến của bè bạn, đồng nghiệp ở khu vực Đông Nam Á cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Các hiện vật trong trưng bày được giới thiệu theo các chủ đề:
+ Đồ vải
+ Đời sống hàng ngày
+ Đời sống xã hội
+ Nghệ thuật biểu diễn
+ Tôn giáo