1. Các cộng đồng chủ nhân văn hóa
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn luôn hợp tác, liên kết với các cộng đồng trong hoạt động bảo tồn, bảo tàng ở các mức độ khác nhau. Thành công của Bảo tàng DTHVN có sự đóng góp to lớn của các cộng đồng. Bảo tàng tiên phong trong việc tổ chức các hoạt động với sự tham gia của các cộng đồng chủ thể văn hóa. Chính cộng đồng - chủ thể văn hóa - đã sáng tạo, sở hữu, nuôi dưỡng và mong muốn bảo tồn các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) của chính mình. Bởi vậy, họ là những đối tác tự nhiên, những người bạn đồng hành quan trọng của các bảo tàng trong sứ mệnh bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Các cộng đồng trực tiếp hoặc gián tiếp chia sẻ các câu chuyện của họ trong các trưng bày của Bảo tàng.
Các cộng đồng tự giới thiệu các đặc trưng văn hóa, hoặc nêu lên các vấn đề của họ thông qua các hoạt động trình diễn, giao lưu tại Bảo tàng.
Các cộng đồng tham gia làm phim, chụp ảnh... giới thiệu về mình, tham gia bảo tồn các công trình kiến trúc của họ tại Bảo tàng.
Bảo tàng DTHVN hỗ trợ để các cộng đồng giới thiệu văn hóa của họ thông qua dự án “phim cộng đồng” và các dự án khác…
2. Phim dựa vào cộng đồng
Bảo tàng DTHVN luôn tiên phong áp dụng những tiếp cận mới trong hoạt động chuyên môn, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động hướng tới công chúng. Những năm vừa qua, Bảo tàng tổ chức thực hiện nhiều phim cộng đồng.
Đây là phương pháp làm phim mới trong nhân học hình ảnh. Với phương pháp này, nhà nghiên cứu hướng dẫn, gợi mở để cộng đồng thực hiện một bộ phim về chính mình. Cộng đồng tham gia vào tất cả các khâu, từ quay phim, lựa chọn câu chuyện, đến biên tập nội dung, cấu trúc phim, tạo ra bản nháp của bộ phim. Bản nháp này sẽ được mang trở lại cộng đồng để thu nhận ý kiến phản hồi, sau đó tiếp tục được chỉnh sửa và hoàn thiện.
Thời gian làm phim cộng đồng thường kéo dài. Phim cộng đồng hấp dẫn không ở cảnh quay đẹp mà ở chính những câu chuyện bình dị với cảm xúc thực của người kể chuyện.
3. Trưng bày dựa vào cộng đồng
Theo truyền thống, những trưng bày giới thiệu về đời sống, văn hoá của các dân tộc thiểu số đều do các nhà nghiên cứu, các chuyên gia bảo tàng, những người thuộc nền văn hoá đa số thực hiện. Bảo tàng DTHVN vừa thực hiện các trưng bày mang tính cổ điển đó vừa tiên phong thực hiện các “trưng bày dựa vào cộng đồng”. Đây là phương pháp tiếp cận dựa trên lăng kính của người trong cuộc - của cộng đồng chủ thể văn hóa. Theo tiếp cận mới này, các chuyên gia bảo tàng là những người cùng cộng đồng tạo nên trưng bày, được tổ chức tại bảo tàng hoặc trong cộng đồng.
Phương pháp “trưng bày dựa vào cộng đồng” khuyến khích cộng đồng thể hiện những khía cạnh và giọng nói đa dạng của mình, nhằm phát huy nhận thức mới, gợi mở những nhận xét và đối thoại trong và giữa các nền văn hóa thông qua trưng bày. Trưng bày dựa vào cộng đồng góp phần mang lại tính xác thực về mặt văn hóa và xã hội trong các câu chuyện. Thông qua trưng bày, các nhóm cộng đồng khác nhau sẽ thể hiện giọng nói chân thực của mình. Họ được ủng hộ để thể hiện những cuộc trưng bày theo cách của họ.
Đối với công chúng, những trưng bày được thực hiện theo tiếp cận mới này thực sự thu hút, mang đến cho họ một ngôn ngữ mới mẻ, và tạo nên một mối quan hệ nhân văn sâu sắc hơn. Điều đó làm gia tăng vai trò và tầm ảnh hưởng của bảo tàng đối với xã hội.
4. Chủ nhân các kiến trúc dân gian
Khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được xây dựng theo phương châm các cộng đồng tự giới thiệu văn hoá và cuộc sống của mình. Từng ngôi nhà được đưa về hoặc chọn mẫu từ một làng cụ thể và được chính những người dân của làng quê ấy tới dựng lại tại Bảo tàng, thể hiện cả kiến trúc, cả nếp sống và tập tục của họ. Cũng chính họ - chủ nhân văn hóa của công trình kiến trúc - được mời trở lại Bảo tàng để tu sửa khi ngôi nhà của mình hư hỏng.
Đó là nhà người Chăm (tỉnh Ninh Thuận), nhà người Việt (tỉnh Thanh Hoá), nhà rông người Ba-na làng Kon Rơ Bàng (tỉnh Kon Tum), nhà người Ê-đê Buôn Ky (tỉnh Đắk Lắk), nhà mồ Gia-rai làng Mrông Ngọ (tỉnh Gia Lai), nhà mồ Cơ-tu thôn Aliêng (tỉnh Quảng Nam), nhà người Tày bản Nà Riệng (tỉnh Thái Nguyên), nhà người Dao bản Khe Mụ (tỉnh Lào Cai), nhà người Hmông bản Đề Chờ Chua A (tỉnh Yên Bái), nhà người Hà Nhì thôn Lao Chải (tỉnh Lào Cai).
5. Cộng đồng tham gia trình diễn
Song song với các hoạt động trưng bày, Bảo tàng DTHVN tổ chức nhiều hoạt động trình diễn nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống do chính đồng bào các dân tộc thực hiện. Đây là một quan niệm mới trong hoạt động và là một trong những điểm đặc sắc, thành công của Bảo tàng DTHVN. Các hoạt động này được công chúng quan tâm và được giới bảo tàng đánh giá cao.
Hoạt động trình diễn của Bảo tàng DTHVN hướng tới tôn trọng chủ thể văn hoá, đề cao sự giao lưu giữa chủ thể văn hóa với công chúng. Các chương trình trình diễn được xây dựng trong mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương, với các cộng đồng, nêu cao tiếng nói của người dân – chủ thể văn hóa.
Từ năm 1998 đến nay, hàng năm có nhiều cộng đồng được mời đến giới thiệu văn hoá, truyền thống của chính mình tại Bảo tàng. Hàng loạt chương trình nghệ thuật đã phục vụ công chúng, như: Hát chèo tàu Hà Nội, hát trống quân Hưng Yên, hát ví, giặm Nghệ An, Hà Tĩnh... Đặc sắc hơn cả là các trình diễn nghề thủ công: làm gốm của người Thái, Việt, Chăm; dệt nhuộm của người Lào, Thái, Cơ-tu, Việt, Hmông; đan lát của người Khơ-mú, La Ha; rèn đúc của người Nùng, Hmông, Việt; chế tác ngư cụ, làm đồ chơi, tranh Tết, viết thư pháp, chế biến thuốc nam của người Việt… Các chương trình văn nghệ dân gian, ẩm thực, trò chơi, phong tục tập quán và những nét đẹp truyền thống trong các lễ hội đầu năm mới và Tết Trung thu của nhiều dân tộc được được tổ chức hằng năm là một nét độc đáo ở Bảo tàng DTHVN.
Chúng tôi luôn coi Bảo tàng DTHVN như ngôi nhà và sân chơi của mình. Nhờ có Bảo tàng, chúng tôi mới có dịp tiếp xúc với nhiều người xem, cả khách trong nước và nước ngoài. Trình diễn ở đây càng làm cho chúng tôi hiểu rõ hơn, tự hào hơn và nâng cao hơn ý thức bảo tồn nghệ thuật của mình (ông Nguyễn Xuân Chiếm, phường rối nước Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương).
6. Photovoice
Với tiếp cận này, Bảo tàng tạo điều kiện phương tiện kỹ thuật cho cộng động, hướng dẫn giúp đỡ sao cho cộng đồng có được những hình ảnh mà họ mong muốn giới thiệu với công chúng. Đây là một phương pháp mới trong nhân học hình ảnh.
Những vấn đề của cộng đồng do chính họ lựa chọn để phản ánh theo “tiếng nói của người trong cuộc”.