Tổ tiên người Brâu sinh tụ ở vùng nam Lào và đông bắc Campuchia; một số đã di cư sang khu vực bắc Tây Nguyên của Việt Nam cách đây trên 100 năm. Theo thống kê năm 2009, ở Việt Nam có 397 người Brâu, đây là một trong 5 dân tộc có dân số dưới 1000 người và là một trong hai dân tộc ít người nhất trong nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me (ngữ hệ Nam Á). Họ cư trú ở làng Đắc Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Canh tác rẫy là hoạt động sản xuất chính của người Brâu để tự túc lương thực; trước kia trồng nhiều lúa nếp, bên cạnh đó có lúa tẻ, ngô, sắn... Mỗi năm làm một vụ, kéo dài trong khoảng 9 tháng kể từ khi chọn đất phát rẫy đến khi tuốt lúa. Dân làng tự túc đồ đan và phần lớn sản phẩm rèn, còn đồ vải và trang sức thì từ lâu đều do trao đổi hàng hoá với những cư dân khác mới có được.
Theo nếp truyền thống, người Brâu ở nhà sàn và bố trí làng có tính phòng thủ. Nhà rông, nhà của cộng đồng, đứng cao lớn ở giữa, nhà của các gia đình dựng xung quanh và đều quay đầu hồi có cửa chính vào khu vực trung tâm. Ngày nay, do thực hiện "định canh định cư", lối cư trú đó đã được thay thế bằng hình thức làng theo quy hoạch mới, với những ngôi nhà trệt lợp ngói, dựng thẳng hàng và cùng nhìn ra quốc lộ 14C (đường lên cửa khẩu Bờ Y). Trong làng có cả những người khác tộc: Mường, Thái, Việt... Nhiều gia đình Brâu có con rể, con dâu là người Lào, Mường, Khơ-me, Gia-rai, Ca-dong, Hrê...
Người Brâu tin có rất nhiều "thần linh": thần mặt trời, thần rừng, thần nước, thần đất, thần lúa, thần bản mệnh..., và mọi thứ trên thế gian đều do vị thần Paxây tạo ra. Cuộc sống của họ gắn liền với nhiều lễ cúng lớn hay nhỏ, ví dụ một vụ canh tác rẫy cần có lễ chọn đất, lễ phát rẫy, lễ đốt rẫy, lễ trỉa lúa, lễ cúng lúa mới, lễ thu hoạch, lễ mở cửa kho. Trâu là vật hiến sinh lớn nhất theo phong tục Brâu.
Nhạc cụ của người Brâu đa dạng, nhưng giá trị nhất và quan trọng nhất là cồng chiêng. Đặc biệt, loại chiêng tha rất đặc sắc về âm thanh và cách thức gõ, mỗi bộ chỉ gồm hai chiếc, "vợ" và "chồng", nhưng trước kia có thể trị giá khoảng 30-40 con trâu.
Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Brâu được giới thiệu cùng với hiện vật các dân tộc khác trong không gian "Môn – Khơ-me Trường Sơn – Tây Nguyên", ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".