Bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc là một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Bảo tàng). Một trong những minh chứng sinh động cho cách bảo tồn di sản văn hóa của Bảo tàng chính là sự hiện diện của 11 công trình kiến trúc truyền thống tiêu biểu (nhà Chăm, nhà Việt, thủy đình của người Việt, nhà dài Ê-đê, nhà rông Ba-na, nhà mồ Gia-rai, nhà mồ Cơ-tu, nhà Tày, nhà Dao, nhà Hmông, nhà Hà Nhì) của 11 dân tộc tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng, gắn với đó là sự tham gia xây dựng, sửa chữa và bảo dưỡng các công trình của các chủ thể văn hóa – các nghệ nhân và/hoặc người dân địa phương nơi các công trình kiến trúc được sưu tầm.
Từ ngày 16/10/2024 đến ngày 12/11/2024, Bảo tàng đã tiến hành sửa chữa một số hạng mục bị xuống cấp của các gian nhà trong khuôn viên nhà người Việt (trát lại và quét vôi tường bên trong và ngoài nhà chính và nhà ngang; đảo ngói, sửa một số thanh rui nhà chính, nhà ngang và nhà bếp; làm mới hai mành tre trước hiên nhà ngang...). Trong đó, có hai gian nhà ngang – nơi đang trưng bày khung dệt của người Việt (được sưu tầm từ làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) và múa rối nước (bao gồm hiện vật là các con rối của một số phường rối nước vùng châu thổ Bắc Bộ đi kèm với các pa-nô giới thiệu về nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam).
Lãnh đạo Bảo tàng chỉ đạo nhóm trưng bày sắp đặt hiện vật (Ảnh: Vũ Phương Nga) |
Phối hợp sắp đặt hiện vật trưng bày (Ảnh: Vũ Phương Nga) |
Ngay sau khi hoàn tất việc sửa chữa, bộ phận trưng bày, nghiên cứu và bảo quản của Bảo tàng đã phối hợp trưng bày gian nhà ngang với việc thay thế trưng bày khung dệt và múa rối nước bằng cách sắp đặt các hiện vật mới được sưu tầm (2024) từ tỉnh Thanh Hóa như phản, tủ đứng, bộ bàn ghế uống nước, chum, vại, rương, hòm chứa vật dụng cá nhân... Điều này giúp tái tạo một cách đầy đủ hơn không gian sinh hoạt của một đại gia đình người Việt ở Bắc Bộ trước năm 1975. Hy vọng rằng, tham quan khuôn viên nhà người Việt tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng sẽ đem lại cho công chúng những cảm nhận rõ ràng hơn về tổng thể cấu trúc và phân bố không gian sinh hoạt trong ngôi nhà theo kiến trúc truyền thống của người Việt ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Người viết: Vũ Phương Nga