Image
Loading

Ngôi nhà được làm năm 1967, của gia đình ông Đào Thế Diện ở bản Thẩm Rộc, xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Năm 1999, 12 người Tày từ chính vùng quê này đã tu sửa ngôi nhà và đến dựng lại tại Bảo tàng trong hai tuần.

Nhà có sàn cao 1,80m và rộng hơn 100m2, mái lợp hết khoảng 6.000 tàu lá cọ. Để tránh bị mọt, họ ngâm gỗ, tre, nứa dưới nước và bùn từ 3-6 tháng trở lên. Để nhuộm đen nan tre nứa khi đan những hoa văn trang trí trên vách, họ sử dụng nhọ nồi trộn với củ nâu giã nát. Những môtíp hoa văn này cũng thấy cả trên thổ cẩm và đồ đan của người Tày.

Theo nếp cổ truyền Tày, bên trên sàn là chỗ ở của người, còn dưới gầm sàn dành cho vật nuôi (trâu, bò, lợn, gà). Không gian gầm sàn cũng được dùng làm chỗ để củi, nông cụ, chỗ xay thóc, giã gạo, giã bột làm bánh và giã cốm; thêm nữa, đó còn là chỗ trẻ nhỏ vui chơi, người lớn nghỉ ngơi trong những buổi trưa hè nắng nóng.

Bên trong cổng có cái chòi nhỏ bé và đơn sơ, đó là miếu thờ thổ công của gia đình.