Image
Loading

Tòa Trống đồng

Tòa Trống đồng là một trong hai tòa trưng bày của Bảo tàng DTHVN. Tòa nhà được kiến trúc sư Hà Đức Lịnh, người Tày, thiết kế mô phỏng theo hình trống đồng của văn minh Đông Sơn nổi tiếng. Tòa “Trống đồng” gồm 2 tầng với tổng diện tích trưng bày 2.000m2, do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac khai trương tháng 11-1997, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp tại Hà Nội. Phần lớn diện tích của tòa Trống đồng được dành cho trưng bày thường xuyên về 54 dân tộc Việt Nam, được thực hiện với sự hợp tác của Chính phủ Pháp, sự cộng tác của nhà dân tộc học Christine Hemmet, chuyên gia bảo tàng học tại Bảo tàng Con Người (Paris) và kiến trúc sư Véronique Dollfus, nhà thiết kế trưng bày (Pháp). Trưng bày 54 dân tộc Việt Nam được thể hiện bằng hàng loạt hiện vật, phim, ảnh dân tộc học, cùng các khu vực tái tạo sống động và hàng loạt các bài viết do các nhà nghiên cứu của Bảo tàng thực hiện. Tất cả nội dung trưng bày đều được thực hiện bằng 3 thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh). Lộ trình tham quan gồm 9 phần chính, được bố cục mang tính hệ thống, nhất quán, khoa học và hấp dẫn. Ngoài ra, trong tòa Trống đồng còn có không gian tổ chức các trưng bày nhất thời.

Tòa Cánh diều

Năm 2006, tòa nhà mới “Đông Nam Á” được khởi công xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tòa nhà 4 tầng được các kiến trúc sư của Đại học Xây dựng Hà Nội thiết kế mô phỏng theo hình Cánh diều - một nét văn hóa truyền thống không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực. Tầng 4 được dành cho bảo quản hiện vật; ở 3 tầng còn lại, ngoài một số phòng làm việc, thiết kế và chuẩn bị trưng bày, chủ yếu là các không gian dành cho công chúng. Ở đây có 4 trưng bày thường xuyên về các văn hóa ngoài Việt Nam (Văn hóa Đông Nam Á, Tranh kính Indonesia, Một thoáng châu Á và Vòng quanh thế giới), không gian dành cho các trưng bày nhất thời, các họat động giáo dục; ngoài ra còn có hội trường, phòng chiếu phim, phòng đa phương tiện (Multimedia).
Trưng bày Văn hoá Đông Nam Á là kết quả sống động của quan hệ hợp tác lâu dài giữa Bảo tàng DTHVN với nhiều bảo tàng và cơ quan văn hoá các nước Đông Nam Á và là kết quả của nhiều năm miệt mài lao động và sáng tạo của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng cùng sự hỗ trợ nhiệt thành của nhiều đồng nghiệp và chuyên gia. Có thể nói, việc xây dựng tòa “Đông Nam Á” đánh dấu bước phát triển mới, mang lại diện mạo mới và tầm thế mới đối với Bảo tàng DTHVN. Với các trưng bày trong không gian hiện đại này, Bảo tàng DTHVN không chỉ góp phần lưu giữ, giới thiệu di sản văn hóa của nhiều khu vực, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, mà còn là cầu nối và là điểm đến của bè bạn, đồng nghiệp ở Đông Nam Á cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

Vườn Kiến trúc

Khu trưng bày ngoài trời ngút ngát màu xanh của nhiều loại cây cối, có dòng suối nhân tạo chảy về hồ thuỷ đình là nơi biểu diễn rối nước; có những lối nhỏ dẫn du khách tới 10 công trình kiến trúc dân gian Việt Nam: khuôn viên nhà người Chăm, nhà người Việt, nhà rông Bana, nhà dài Êđê, nhà mồ Giarai, nhà mồ Cơtu, nhà sàn Tày, nhà nửa sàn nửa trệt người Dao, nhà trệt Hmông, nhà trình tường của người Hà Nhì; bên cạnh đó còn có những trưng bày khác nữa. Mỗi ngôi nhà đều có lai lịch và đời sống của nó. Cùng với khu trưng bày thường xuyên trong toà Trống đồng, vườn kiến trúc giới thiệu sự đa dạng văn hoá của các dân tộc ở Việt Nam.