Image
Loading

Nhóm ngôn ngữ này gồm ba dân tộc: Hmông, Dao và Pà Thẻn, dân số gần 2,3 triệu người (2019). Họ cư trú ở hầu hết các tỉnh miền núi Bắc Bộ, một số ở Bắc Trung Bộ. Người Hmông phân bố trên vùng cao; người Dao và Pà Thẻn chủ yếu sinh sống tại vùng núi giữa.

Người Hmông và Pà Thẻn ở nhà trệt. Người Dao, tuỳ từng nhóm, ở nhà trệt, nhà sàn hoặc nhà nửa sàn nửa trệt. Phần lớn cả ba dân tộc này làm nương du canh; một bộ phận làm ruộng nước. Nghề dệt vải và trang trí hoa văn trên nền vải bằng cách thêu, hoặc ghép vải màu, in sáp ong (batik) đạt trình độ cao. Đàn ông Hmông giỏi nghề rèn và đúc.

Quan hệ họ hàng của người Dao chặt chẽ, thông qua tên đệm để xác định vai vế của từng người trong dòng họ. Ở người Hmông và người Pà Thẻn, nếu mang cùng một tên họ thì coi như cùng tổ tiên, không được thiết lập quan hệ hôn nhân với nhau. Người Dao sử dụng chữ Hán theo cách riêng gọi là chữ Nôm Dao, để ghi chép các bài cúng và văn thơ. Họ chịu nhiều ảnh hưởng của Đạo giáo và Khổng giáo.

Khu vực trưng bày về người Hmông, Dao và Pà Thẻn được bố trí ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng". Ngoài các hiện vật, nhất là trang phục, ảnh thực địa, còn có hai không gian sắp đặt sống động và các phim dân tôc học. Tất cả các bài viết, chú thích hiện vật, ảnh đều được thực hiện bằng 3 ngữ : Việt, Pháp và Anh.