Image
Loading

Các cư dân ngôn ngữ Nam Đảo sinh sống ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, song chủ yếu trên các đảo của Indonesia, Timor Leste, Malaysia (đảo và bán đảo), Philippines, Singapore, Brunei, Madagascar, Micronesia, Polynesia, Melanesia, New Guinea và Đài Loan. Ở Việt Nam, nhóm  ngữ hệ Nam Đảo có bốn dân tộc: Giarai, Êđê, Raglai và Churu, với hơn 1 triệu người (2019), cư trú chủ yếu ở Tây Nguyên và miền núi các tỉnh từ Phú Yên vào Bình Thuận. Sự phân bố này nối liền với địa bàn cư trú của người Chăm, tạo thành một vùng văn hoá Nam Đảo ở Đông Dương. Họ bảo lưu truyền thống mẫu hệ và dấu tích văn hoá vùng biển.

Tổ tiên các dân tộc ngữ hệ Nam Đảo đã di cư từ Nam Trung Quốc xuống Thái Bình Dương. Họ có mặt ở Tây Nguyên từ rất sớm, nhưng chắc chắn là sau cư dân nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme và trước khi hình thành vương quốc Chăm Pa. Nguồn sống chính của họ là lúa rẫy, gieo trồng theo chế độ hưu canh (bỏ hoá đất lâu năm rồi mới canh tác trở lại). Ruộng nước trước đây chỉ xuất hiện ở một số nơi có đất sình lầy.

Tổ chức xã hội tự quản cổ truyền là làng, tập hợp các đại gia đình mẫu hệ. Tuy nhiên, các gia đình nhỏ nay đã phổ biến. Đời sống vận hành theo phong tục. Tính cộng đồng làng rất cao, nhưng sự phân hoá giàu nghèo trong cộng đồng cũng đã rõ.

Trong trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, không gian giới thiệu về các cư dân Nam Đảo được bố trí ở tầng 2 của tòa nhà “Trống đồng". Hiện vật rất phong phú, gồm các loại công cụ sản xuất, đồ gia dụng, nhạc cụ, trang phục, tẩu hút thuốc, đồ đan (gùi, giỏ, hộp...), đồ gốm và dụng cụ làm gốm, tượng mồ... Ngoài ra, trong Vườn Kiến trúc (Khu trưng bày ngoài trời) còn có 3 tổ hợp kiến trúc dân gian rất đặc sắc. Đó là khuôn viên của một gia đình mẫu hệ người Chăm với 5 ngôi nhà, nhà dài của người Êđê và nhà mồ của người Giarai. Các phim dân tộc học thời lượng ngắn và nhiều bức ảnh thực địa minh họa sinh động cuộc sống của đồng bào. Tất cả các bài viết, thông tin đều được thực hiện bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).