Image
Loading

Ngôi nhà cao gần 19m (kể cả dải hoa văn trên nóc), sàn cao gần 3m, diện tích trong nhà hơn 90m2.

40 người dân làng Kon Rbàng ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, đã đến Bảo tàng làm ngôi nhà này vào năm 2003 theo mẫu nhà rông của làng họ hồi nửa đầu thế kỷ 20. Công cụ quan trọng nhất là rìu, vừa để chặt và đẽo gỗ, vừa để đục lỗ làm mộng...

Ngôi nhà rông này được dựng bằng 8 cây cột lớn, trong đó 4 cột có đường kính tới gần 60cm. Sườn nhà là một hệ thống với hàng loạt cây xà được bài trí rất đặc biệt theo chiều ngang, đứng, xiên. Chúng vừa liên kết vừa có tác dụng giằng và chống giữa hai mái cũng như trong mỗi mái. Những cây xà dọc, đòn tay dài tới 14-15m. Mái nhà có dáng cong, phồng ra ở phần dưới mỗi mái chính, có tác dụng làm tăng khả năng hứng chịu gió, làm cho mái nhà khỏe hơn, vừa có giá trị thẩm mỹ. Bộ mái cong này tạo cho ngôi nhà rông có dáng thanh thoát nhẹ nhõm và như cao hơn.

 Nhà rông trong đời sống của làng

Nhà rông có ý nghĩa như bộ mặt của làng, bởi đây là công trình kiến trúc cao lớn nhất và đẹp nhất, thể hiện sức mạnh và tài nghệ của cộng đồng dân làng.

Theo truyền thống, nhà rông là không gian của hoạt động xã hội và hoạt động nghi lễ của đàn ông. Đó là nơi đón tiếp khách lạ, nơi các thế hệ nam giới trao truyền tri thức, kinh nghiệm, gặp gỡ và giao lưu với nhau lúc rỗi rãi, nơi các già làng bàn bạc công việc chung cũng như xét xử những vụ vi phạm luật tục hoặc kiện tụng; nơi dân làng tụ họp khi giải quyết những việc hệ trọng của cộng đồng, tổ chức nghi lễ và ăn uống chung. Trước đây, nhà rông còn là nơi trai tráng túc trực sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ làng, đồng thời cũng là chỗ ngủ của trai làng chưa vợ, goá bụa...

 Trong nhà rông thường treo các đầu trâu hiến sinh, đầu động vật là chiến tích và niềm tự hào về thành quả săn bắn của cộng đồng. Ngoài ra, nhà rông là nơi cất giữ vật thiêng, một dạng bùa hộ mệnh của làng. Theo tập tục xưa, thường ngày phụ nữ không lên nhà rông.