Image
Loading

Tổ tiên người Êđê sinh tụ ở miền Trung Tây Nguyên từ hàng nghìn năm trước. Ngày nay, dân tộc này có hơn 331.000 người (2009), cư trú chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk, một bộ phận ở miền tây hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Cộng đồng Êđê bao gồm nhiều nhóm địa phương: Kpạ, Bih, Mthur, Adham... Tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ Nam Đảo.

Văn hóa vật thể và phi vật thể của người Êđê đều phong phú và đặc sắc. Đây là cư dân còn bảo lưu tập tục mẫu hệ (dòng mẹ) khá điển hình. Trước kia, mỗi đại gia đình mẫu hệ (bố mẹ và các gia đình của những người con gái, cháu gái) ở chung trong một ngôi nhà dài. Tất cả các nhà trong buôn đều quay đầu hồi có cửa chính về phía bắc. Nhà của người giàu và thế lực lớn có khi dài tới trên dưới 200m, với những điêu khắc trang trí trên cột, xà, cầu thang ván...; trong "phòng khách" có nhiều cỗ ghế độc mộc, phản độc mộc và của cải quý giá khác như cồng chiêng, trống đại, ché, nồi đồng lớn.

Đa số người Êđê sống trên địa hình cao nguyên màu mỡ, nên tuy họ cũng làm rẫy theo tập quán đa canh như khắp vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, nhưng chiếc cuốc ở đây có vai trò quan trọng nổi bật hơn so với chiếc gậy chọc lỗ. Họ cũng canh tác theo lối hưu canh, nhưng mỗi đám rẫy có thể gieo trồng liên tục nhiều năm trước khi bỏ hoá. Ruộng nước đã xuất hiện từ lâu đời, chủ yếu ở vùng ven 2 con sông Krông Ana và Krông Knô. Ngoài những vật nuôi thông thường, các gia đình giàu có còn nuôi cả voi. Trong đời sống cổ truyền, phụ nữ Êđê thành thạo dệt vải sợi bông để tự túc đồ vải cho gia đình: khố, váy, áo, chăn, địu trẻ nhỏ. Đàn ông giỏi đan lát, sản xuất ra nhiều vật dụng bằng tre và mây, đặc biệt là những loại gùi với kiểu dáng mang nét đặc trưng tộc người. Ngoài ra, một số gia đình còn có nghề rèn, làm đồ trang sức bằng đồng, một số nơi có nghề dệt chiếu, làm gốm không dùng bàn xoay và nung lộ thiên. Ngày nay, ở vùng người Êđê, canh tác cây công nghiệp giữ vai trò quan trọng đáng kể trong đời sống kinh tế, họ có những loại sản phẩm hàng hóa nổi tiếng như cà phê, hồ tiêu, cao su...

Theo tín niệm Êđê, có rất nhiều "thần linh" thiện và ác, ở tầng trời và tầng đất, trong đó Aê Điê và Aê Đu được coi như những thần khai sáng ra đất và nước. Do vậy, trong một năm người Êđê thực hiện nhiều lễ cúng ở cấp độ gia đình hoặc/và cộng đồng làng, chủ yếu để cầu lúa tốt, được mùa, làm ăn may mắn, khoẻ mạnh và bình yên, trong đó lớn nhất là những nghi lễ có hiến sinh trâu.

Trong di sản văn hoá Êđê, không thể thiếu âm nhạc cồng chiêng, các loại nhạc cụ đa dạng làm bằng tre nứa và vỏ bầu, cũng không thể không kể đến luật tục, các hình thức văn học dân gian truyền miệng, đặc biệt là các sử thi (Đam San, Đam Kteh Mlan, Khing Juh...). 

Tại khu trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhiều hiện vật của người Êđê: y phục, gùi các loại, đồ dùng nhà bếp... được giới thiệu trong không gian "Nam Đảo miền núi" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng". Bộ phim tư liệu về lễ đặt tên cho trẻ nhỏ cung cấp những hình ảnh sống động về cuộc sống của đồng bào. Ngoài ra, một cặp cột cái của nhà dài với các điêu khắc đặc trưng được trưng bày ở tầng 1. Một ngôi nhà dài, đưa về từ Buôn Ma Thuột, được chính những người Êđê ở buôn Ky dựng lại trong Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) của Bảo tàng từ năm 2000.