Image
Loading

Ở Việt Nam, dân tộc Phù Lá có gần 11.000 người (2009), phân bố ở 4 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu. Trong đó, nhóm Phù Lá cư trú ở tả ngạn sông Hồng, còn nhóm Xá Phó (Lao Va Xơ, Bồ Khô Pạ) ở hữu ngạn. Tổ tiên của họ từ nam Trung Quốc đến Việt Nam 300 - 400 năm trước, có bộ phận (Phù Lá Hán) mới tới trong những năm 40 của thế kỷ 20. Ngôn ngữ Phù Lá thuộc nhóm Tạng – Miến (ngữ hệ Hán – Tạng).

Trước thập niên 60 của thế kỷ 20, người Xá Phó chỉ làm nương du canh, theo lối phát, đốt, chọc lỗ tra hạt; còn ở vùng người Phù Lá đã phổ biến loại nương định canh, họ dùng cuốc và cày trong canh tác. Tùy nơi, ngô hay lúa là cây lương thực chủ đạo, bên cạnh đó còn có sắn, kê, ý dĩ, khoai sọ, mạch 3 góc... Bông và chàm thường được trồng riêng, thành khoảnh hoặc nương. Trước kia, hầu hết phụ nữ đều thạo dệt vải để đáp ứng nhu cầu đồ vải trong gia đình; vải của họ chỉ rộng 20cm. Đàn ông đan lát, có các sản phầm như: hòm mây, sọt, chiếu..., nổi bật là những chiếc gùi đeo qua trán; họ cũng tự làm đồ gỗ: thùng đựng nước, chõ đồ xôi, yên ngựa, cày, bừa...

Theo truyền thống, người Xá Phó ở nhà sàn, một bộ phận đã làm nhà trệt. Người nhóm Phù Lá ở nhà trệt, kiểu nhà hai mái, tường trình. Y phục nữ đặc sắc và có sự khác nhau giữa hai nhóm. Phụnữ  Xá Phó mặc váy dài, xòe rộng, có 4 mảng hoa văn phân bố từ trên xuống; thắt lưng vải nhuộm chàm, thêu chỉ đỏ ; áo ngắn, mặc chui đầu, cổ vuông, thêu nhiều hoa văn và đính hạt thực vật; trên đầu vấn khăn dài hoặc khăn vuông thêu hoa văn. Phụ nữ nhóm Phù Lá mặc quần "chân què - lá tọa"; áo ngắn có chiết eo, cài cúc ở bên nách phải, thân sau và ống tay ghép vải màu để trang trí; đeo tạp dề hình lưỡi rìu ở trước ngực...

Người Xá Phó và Phù Lá đều theo chế độ phụ hệ, coi trọng thờ cúng tổ tiên. Trên cơ sở tín ngưỡng vạn vật hữu linh, họ thực hành nhiều nghi lễ nông nghiệp, để cầu mùa màng tốt tươi, vật nuôi phát triển, người khỏe mạnh. Ở nhóm Xá Phó, người phụ nữ trụ cột trong gia đình được coi là người giữ hồn lúa, có nhiệm vụ gặt khóm lúa đầu tiên trong vụ thu hoạch, lấy cum lúa đầu tiên ra để ăn tết cơm mới. Nhóm Phù Lá tiếp thu ảnh hưởng của Đạo giáo.

Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật Phù Lá, nổi bật là các bộ y phục phụ nữ, y phục bé gái, được giới thiệu cùng với hiện vật của các dân tộc khác trong không gian "Tạng - Miến" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".