Image
Loading

Người Hoa ở Việt Nam có nhiều tên gọi: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Xìa Phống, Thông Nhằm, Minh Hương..., phần nhiều theo tên quê gốc ở Trung Quốc. Họ có hơn 749.000 người (2019), hơn một nửa sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Người Hoa ở nông thôn chủ yếu làm nông nghiệp, còn ở thành thị thì hoạt động công thương nghiệp và dịch vụ. Tiểu thủ công nghiệp phát triển, nhất là các nghề làm gốm, làm nhang, làm giấy. Xã hội có sự phân hóa sâu sắc. Gia đình nhỏ phụ quyền là phổ biến. Tập quán bố trí nhà cửa theo hình chữ “Môn” hay chữ “Khẩu” là một nét văn hoá cổ truyền. Trong nhà thường treo câu đối, liễn, dán giấy hồng điều viết chữ Hán  bằng mực Nho, để cầu Phúc, Thọ, Tài, Lộc. Mỗi gia đình có nhiều bàn thờ, bát hương để thờ cúng Trời, Đất, Tổ tiên và Tam giáo (đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão).

Hát sơn ca (sán cố) là sinh hoạt văn nghệ dân gian được nhiều người ưa chuộng. Vào dịp hội hè, họ thường tổ chức múa lân, rồng, sư tử và biểu diễn quyền thuật, với hề mặt nạ rất hấp dẫn.