Image
Loading

Dân tộc Pu Péo phân bố ở nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, dân tộc Pu Péo tự nhận là Ka Bẻo, sống ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) từ thế kỷ XVIII. Họ chỉ có hơn 900 người (2019), làm ruộng bậc thang, nương và vườn cây ăn quả.

Váy, áo của phụ nữ Pu Péo đặc sắc ở kỹ thuật đáp và ghép vải màu trang trí, xếp thành các hình tam giác, hình vuông, hình quả trám. Phụ nữ vấn tóc quanh đầu, dùng chiếc lược gỗ gài lại rồi trùm khăn vuông lên trên.

Người Pu Péo thờ cúng tổ tiên ba đời, mỗi đời tượng trưng bằng một hũ sành trên bàn thờ. Vào dịp tết Nguyên đán, họ làm bánh chưng đen cúng tất niên, hôm sau làm bánh chưng trắng mừng năm mới. Từ mồng 3 đến 13 tháng Giêng âm lịch, cả bản tổ chức lễ Patọng mở đầu mùa sản xuất. Người Pu Péo có tục hát đối đáp trong đám cưới và đánh trống đồng trong tang lễ.

Trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Pu Péo được giới thiệu cùng với hiện vật của 3 dân tộc khác trong cùng nhóm ngôn ngữ Kađai, ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".