Image
Loading

Việt Nam có hơn 4.000 người Cờ Lao (2019), gồm ba nhóm: Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Đỏ, có mặt ở Hà Giang từ thế kỷ XVIII. Những người Cờ Lao ở vùng cao núi đá tai mèo chủ yếu làm nương, theo kiểu “thổ canh hốc đá”. Họ trồng lúa tẻ trên ruộng bậc thang, trồng ngô, một số cây họ đậu, rau xanh trên nương; có nghề đan lát và làm đồ gia dụng bằng gỗ ghép. Nếp sống gia đình nhỏ phụ hệ hình thành từ lâu. Trong hôn nhân, con cô con cậu lấy được nhau, cũng có thể “kéo vợ” như người Hmông. Khi mai táng, họ đắp đá rồi mới phủ đất lên mộ. Người Cờ Lao tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa của người Hmông và người Dao cộng cư.

Trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Cờ Lao, áo, đồ gỗ gia dụng, vỏ bầu khô..., được giới thiệu cùng với hiện vật của 3 dân tộc khác trong cùng nhóm ngôn ngữ Kađai, ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".