Image
Loading

Dân tộc Mường có dân số hơn 1,4 triệu người (2019), họ sống chủ yếu ở tỉnh Hoà Bình, trong 4 mường xưa nổi tiếng: Bi, Vang, Thàng, Động; một số sinh sống ở các tỉnh Thanh Hoá, Phú Thọ, Sơn La… 

Người Mường làm ruộng nước trong các thung lũng với trình độ canh tác khá cao. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, đánh cá, hái lượm và làm thủ công nghiệp.

Làng xóm định cư ở chân núi, bên sườn đồi, gần sông suối. Chế độ Nhà lang theo hình thức thế tập là tổ chức xã hội truyền thống trước đây. Mỗi dòng họ lãnh chúa (Đinh, Quách, Bạch, Hoàng, Hà...) đều có lệ luật riêng để chi phối các bản trong mường thuộc phạm vi quản lý của mình.

Người Mường có kho tàng văn học dân gian phong phú với những sử thi, truyện thơ nổi tiếng như Đẻ đất đẻ nước, Út Lót - Hồ Liêu, Nàng Nga - Hai Mối..., có các làn điệu hát ví, xéc bùa hay sắc bùa và những điệu dân vũ đặc sắc như múa bông, múa quạt, múa sạp.

Trưng bày về người Mường ở tầng 1 của toà nhà "Trống đồng". Phòng trưng bày được tổ chức theo các chủ đề như: dệt vải, săn bắt, nhạc cụ, tang lễ, bếp... Ngoài hiện vật, còn có các bài viết theo chủ đề được thực hiện bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh), các bức ảnh cung cấp những hình ảnh sống động về cuộc sống trong các bản. Khu sắp đặt về đám tang còn có phim tư liệu dân tộc học, ghi hình ở tỉnh Hoà Bình.